Toàn cảnh phiên họp
Báo cáo do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày cho biết, về nội dung, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến về 3 dự án luật: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND). Hiện nay, Chính phủ chưa có đề nghị bổ sung 3 dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, 2023, do đó, đề nghị Chính phủ thực hiện các quy trình, thủ tục xây dựng pháp luật bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tại phiên họp
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, ngày 10/9/2022 Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến, Đảng đoàn Quốc hội chủ trì, phối hợp Ban cán sự đảng Chính phủ nghiên cứu ý kiến của Bộ Chính trị và ý kiến của các cơ quan. Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo UBTVQH bổ sung các dự án luật nêu trên. Trước đó, ngày 23/1/2022, Tổng Thư ký Quốc hội cũng đã có văn bản thông báo ý kiến của UBTVQH đề nghị Chính phủ làm rõ sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý… để bổ sung.
“Ngày 27/11/2022, tức hôm qua, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 7967 thông báo ý kiến của Thủ tướng, giao Bộ trưởng Bộ Công an thừa uỷ quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo và có tờ trình báo cáo về các dự án luật nêu trên với UBTVQH”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng trình Quốc hội quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch; xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thảo luận tại phiên họp
Đối với nội dung về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, hiện nay, UBTVQH đã cho ý kiến bằng văn bản về nội dung này và cho rằng đề xuất của Chính phủ chưa có đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn cho việc sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý hỗ trợ/thanh toán các hợp đồng dự án giao thông BOT, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến.
Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ bám sát hơn Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, đồng thời cho biết, về nguyên tắc, kỳ họp bất thường chỉ thực hiện theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu của UBTVQH, Chủ tịch nước, Thủ tướng, hoặc 2/3 đại biểu Quốc hội kiến nghị.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thảo luận tại phiên họp
Về thời gian tổ chức kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội nêu hai phương án, trong đó trường hợp toàn bộ nội dung trình tại kỳ họp bất thường được xem xét xong trong tháng 12/2022 và đủ điều kiện trình thì đề nghị tổ chức họp trước Tết Nguyên Đán (đầu tháng 1/2023), phù hợp với thời điểm các địa phương phải tập trung vào việc triển khai công tác năm 2023 và các hoạt động trước Tết Nguyên Đán.
Cũng như đa số ý kiến đại biểu thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thống nhất sẽ tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 2 trong thời gian tuần đầu tháng 1/2023, sau khi nghỉ Tết Dương lịch, có thể họp trực tuyến hoặc tập trung, cần cân nhắc kỹ thêm cho phù hợp.
Dự kiến Kỳ họp thứ 5 diễn ra trong 17 ngày
Đánh giá về Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Chủ tịch Quốc hội cơ bản thống nhất với báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, đồng thời đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội căn cứ ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, các báo cáo tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ý kiến tại các cuộc tiếp xúc cử tri vừa qua để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng báo cáo này, gửi ĐBQH và các cơ quan liên quan.
Các đại biểu tham dự phiên họp
Về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 5, Tổng Thư ký Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật, dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; cho ý kiến 6 dự án luật. Trong đó, bố trí thời gian thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) như đã thực hiện tại Kỳ họp thứ 4.
Dự kiến Quốc hội làm việc trong 17 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày thứ hai, 22/5/2023 (do ngày 20/5 là thứ bảy) và bế mạc vào ngày 13/6/2023. Trong đó, đề nghị không bố trí Quốc hội làm việc ngày thứ bảy, chủ nhật để ĐBQH có thời gian nghiên cứu tài liệu, các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý các nội dung trước khi trình Quốc hội thông qua.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an