Trang chủ / THÔNG BÁO / Thông báo chung / Tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực hiện Đề án 06 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực hiện Đề án 06 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 12/6/2022, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 06 của Bộ Công an, dẫn đầu đoàn công tác đã có buổi làm việc với Công an TP. Hồ Chí Minh để đánh giá tình hình, kết quả công tác triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại TP Hồ Chí Minh.
Tham gia đoàn công tác của Bộ Công an có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ Trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 06 của Bộ Công an; Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an; lãnh đạo một số cục nghiệp vụ Bộ Công an…
Đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 thành phố; đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân thành phố, các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 thành phố của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố và các sở, ban, ngành thành phố; đại diện lãnh đạo Công an TP Hồ Chí Minh và các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an TP Hồ Chí Minh… cùng dự buổi làm việc.
Dự buổi làm việc tại các điểm cầu được truyền trực tuyến có các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, TP Thủ Đức, các đồng chí Phó Trưởng Công an quận, huyện, TP Thủ Đức, Ban Chỉ huy các Đội/Trưởng Công an các phường, xã, thị trấn…

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, thay mặt Tổ công tác của Chính phủ, Trưởng đoàn công tác, Bộ trưởng Tô Lâm biểu dương việc chủ động của các đồng chí trong Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TP Hồ Chí Minh, Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của Công an TP Hồ Chí Minh trong quá trình chuẩn bị thực hiện Đề án.

Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá, từ sau Hội nghị triển khai Đề án 06 ngày 18/1/2022 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì đến nay, trải qua gần 06 tháng triển khai, công tác chỉ đạo, triển khai Đề án tiếp tục được thực hiện quyết liệt. Đến nay, các công việc trọng tâm của Đề án cơ bản được đảm bảo đúng tiến độ và thu được những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Một số kết quả nổi bật như: Đối với 25 dịch vụ công thiết yếu, cơ bản 21 dịch vụ đã hoàn thành mức độ 4 theo lộ trình đề ra trong tháng 5/2022. Đặc biệt, đối với 3 dịch vụ công triển khai trong tháng 5 là đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia trực tuyến; cấp hộ chiếu online tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Hà Nội; cấp biển số xe ô tô tại cấp huyện và biển số xe mô tô tại cấp xã đã đạt được những kết quả nhất định, bước đầu nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Nhân dân.

Đề án đã kết nối chính thức giữa cơ sở dữ liệu dân cư với 08 cơ sở dữ liệu chuyên ngành để làm giàu dữ liệu phục vụ các tiện ích của Đề án như dữ liệu của Bảo hiểm xã hội; Tổng cục Thuế – Bộ Tài Chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Bộ Y tế (dữ liệu tiêm chủng)… Bộ Công an đang triển khai thí điểm sử dụng thẻ Căn cước công dân (CCCD) thay thẻ ATM tại một số chi nhánh 03 ngân hàng lớn (gồm Ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank) tại TP Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh.

Bộ trưởng Tô Lâm nhận xét, qua thực tế quá trình khảo sát việc thực hiện Đề án tại các địa phương nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, nhận thức của người đứng đầu một số địa phương trong việc thực hiện Đề án còn chưa đầy đủ, vẫn coi việc thực hiện Đề án 06 là của lực lượng Công an; việc thành lập Tổ công tác thực hiện đề án 06 tại cấp huyện, cấp xã nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa xác định rõ nhiệm vụ và phân công trách nhiệm vụ cụ thể. Trang thiết bị thực hiện dịch vụ công hiện nay còn thiếu hoặc trang bị không đồng bộ nên chưa đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện số hóa từ 1/6/2022 đối với cấp tỉnh và 1/12/2022 đối với cấp huyện theo Nghị quyết số 50 của Chính phủ. Một số địa phương không bố trí được cán bộ chuyên trách nên phải kiêm nhiệm nhiều việc, số lượng hồ sơ tiếp nhận trong ngày lớn dẫn đến quá tải, trong khi đó, chế độ chính sách còn hạn chế.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Bộ trưởng nêu rõ Đề án 06 không phải chỉ là nhiệm vụ của lực lượng Công an mà là của cả hệ thống chính trị nên phải được bắt đầu từ cơ sở. Bộ trưởng yêu cầu lực lượng Công an, đặc biệt là Công an chính quy phường, xã, thị trấn phải làm thật tốt, tham mưu cho chính quyền để đảm bảo việc triển khai Đề án hiệu quả.

Bộ trưởng khẳng định mục tiêu của Đề án 06 đã hoàn thành Dữ liệu Quốc gia về dân cư toàn quốc đến từng tỉnh, thành; quận, huyện; xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở đó sẽ kết hợp với các dữ liệu khác của các Bộ ngành, các địa phương hình thành kho Dữ liệu Quốc gia về dân cư, tham mưu cho Chính phủ ứng dụng công nghệ cao để quản lý, quản trị kinh tế – xã hội để phát triển một cách tốt nhất. Với những kết quả mà TP Hồ Chí Minh đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Tô Lâm mong muốn TP Hồ Chí Minh sẽ là điểm sáng trong việc thực hiện Đề án 06. Bộ trưởng nhấn mạnh, buổi làm việc nhằm đánh giá kết quả ban đầu, những bước đã thực hiện, những khó khăn tồn tại để tập hợp báo cáo Chính phủ tháo gỡ vướng mắc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, Thành uỷ, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đã ban hành nghị quyết và nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện Đề án 06. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được còn nhiều khó khăn như: Nguồn nhân lực, đặc biệt là công nghệ thông tin còn thiếu; Dữ liệu phần mềm chưa đồng bộ; Một số bộ ngành chưa hướng dẫn quy trình, thủ tục khiến nhiều đơn vị chưa kết nối được. Đồng chí Dương Anh Đức yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo, các tổ công tác của Thành phố quyết liệt phấn đấu thực hiện Đề án đúng tiến độ, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, giữ bí mật nhà nước.

Đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 thành phố phát biểu tại buổi làm việc.
Báo cáo việc thực hiện Đề án 06 tại TP Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh nêu rõ, với vai trò thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 thành phố, Công an TP Hồ Chí Minh đã làm tốt vai trò tham mưu Ban chỉ đạo triển khai những nội dung về ứng dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trên địa bàn thành phố; theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện của các đơn vị…
Đến nay các sở, ngành, địa phương từ cấp quận đến cấp xã, phường, thị trấn đã hoàn thành việc ban hành quyết định thành lập và quy chế hoạt động của Tổ Công tác thực hiện Đề án 06; đã triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử; đồng thời chuẩn bị cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để phục vụ kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Trên nền tảng dữ liệu số hóa 12,8 triệu hồ sơ hộ tịch của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đã ban hành công văn về triển khai thực hiện thí điểm khai thác, sử dụng Dữ liệu số hóa sổ hộ tịch TP phục vụ giải quyết thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa tối ưu, hạn chế thấp nhất thời gian giải quyết cho công dân từ ngày 15/6/2022. Hiện thành phố đã tích hợp, cung cấp đầy đủ 03 dịch vụ công thiết yếu trong lịnh vực hộ tịch trên Cổng dịch vụ công thành phố (khai sinh, khai tử, kết hôn).
Thời gian qua, Công an TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo TP Hồ Chí Minh tổ chức tuyên truyền, vận động phụ huynh, học sinh  thực hiện các thủ tục thu thập hồ sơ cấp CCCD gắn chíp điện tử. Tính đến ngày 6/6/2022, Công an TP Hồ Chí Minh đã cấp 52.602 CCCD gắn chíp điện tử cho thí sinh đăng ký dự thi lớp 10, tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng qua cổng Dịch vụ công quốc gia (đạt tỷ lệ 100%). Triển khai thực hiện thí điểm sử dụng CCCD gắn chíp trong khám chữa bệnh BHYT tại thành phố với gần 4,8 triệu thẻ CCCD được đồng bộ với thẻ BHYT; có 227 cơ sở khám chữa bệnh đã sử dụng CCCD trong khám chữa bệnh và 28.512 người sử dụng CCCD trong khám chữa bệnh. Về việc thực hiện 25 dich vụ công thiết yếu, các ban ngành thành phố đã tập trung triển khai ngay với nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng. Kết quả đã tiếp nhận trên 6,6 triệu hồ sơ, đã giải quyết trên 6,3 triệu hồ sơ.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu kết luận chung buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, thay mặt đồng chí Bộ trưởng kết luận chung, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, Đề án 06 là một Đề án chưa có tiền lệ, là Đề án công nghệ lớn nhất từ trước đến nay, ấp ủ từ năm 2013 đến năm 2020 mới thực hiện. Đề án được triển khai trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên với sự quan tâm của toàn bộ hệ thống chính trị và lực lượng Công an toàn quốc, Đề án đã thu được kết quả ban đầu. Để đảm bảo thực hiện thành công Đề án 06, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu phải tạo nên nhận thức trong toàn hệ thống chính trị, trong tổ công tác, trong lực lượng Công an, trong từng cán bộ, đảng viên, bởi đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị mà Công an là lực lượng chủ công.

Đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh, nhận thức không rõ, không đầy đủ thì không thể triển khai các biện pháp đã đề ra và quá trình triển khai sẽ không có sáng tạo. Thứ trưởng yêu cầu khi TP Hồ Chí Minh triển khai Đề án 06 thì phải đánh giá người dân biết đến đâu? Hưởng lợi được đến đâu? Người dân được hưởng cái gì? Hưởng như thế nào? Người dân thao tác ra sao trên điện thoại thông minh?… Để làm được thì thành phố phải bố trí cán bộ ở điểm trực tiếp để hướng dẫn người dân làm thủ tục trực tuyến, không làm trực tiếp.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Sở Thông tin – Truyền thông cần kiểm tra nhanh nhất độ bảo mật dữ liệu thông tin và đường truyền. Còn các sở ngành khác cần có sự đồng bộ dữ liệu, đặc biệt là Sở Y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần phải kết nối ngay các dữ liệu an sinh xã hội để có được dữ liệu sạch, chuyên ngành để phục vụ kịp thời cho việc triển khai thực hiện đề án.

Đồng chí Thứ trưởng đề nghị TP Hồ Chí Minh cần tìm ra các vướng mắc, khó khăn cụ thể để cùng nhau tháo gỡ. Đặc biệt lưu ý vấn đề bảo mật nguồn dữ liệu, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp để họ cùng hưởng ứng, tham gia thực hiện Đề án. Các bộ phận, cán bộ phải hiểu rõ được nhiệm vụ, công việc, trách nhiệm của mình… Đồng chí Thứ trưởng cho biết trong thời gian tới sẽ cùng lãnh đạo chuyên trách đi xã, phường bất kỳ để kiểm tra tình hình thực hiện Đề án 06.

Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 06 TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 06 TP Hồ Chí Minh khẳng định, Công an Thành phố luôn cố gắng cao nhất, tập trung nguồn lực, phương tiện để triển khai thực hiện Đề án 06, đảm bảo nhân lực bố trí về Công an phường, xã, thị trấn. Đồng chí Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh khẳng định Công an Thành phố sẽ khắc phục mọi khó khăn để đảm bảo hoàn thành tốt Đề án 06. Để làm được điều đó, đồng chí Giám đốc CATP mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công an, Thành uỷ – UBND TPHCM, cũng như sự đồng hành, hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị liên quan./.

Nguồn bài viết: Cổng thông tin điện tử Bộ trưởng Bộ Công an

Xem thêm